Nghị định 176, cú đánh bồi của quân Tô – Lương vào “tử huyệt” nhân dân?

Nghị định 176/2024 là một thứ luật muốn vét cho sạch sành sanh sức dân, khơi mào cho một cuộc “chiến tranh nhân dân”.

Nghị định 176 quy định, người báo cáo vi phạm giao thông sẽ được thưởng theo phần trăm tiền phạt, tối đa lên đến 5 triệu đồng. Đây là Nghị định bổ sung cho Nghị định 168, được ban hành sau 4 ngày so với Nghị định 168.

Số tiền 5 triệu đồng khá hấp dẫn đối với những người thu nhập thấp, khiến họ nổi lòng tham, sẵn sàng “săn tiền thưởng”. Thực chất, đây là Nghị định khuyến khích dân đấu tố nhau, để công an vơ vét.

Luật này ra đời, xem như, Bộ Công an có thêm hàng triệu đôi mắt, giúp họ tha hồ bắt lỗi.

Đáng chú ý, có luồng ý kiến cho rằng, với 5 triệu tiền thưởng, thì kẻ tố cáo có thể tạo dựng ra những bằng chứng giả, để hưởng lợi bất chính. Ví dụ, dùng công nghệ AI để chỉnh sửa đèn xanh thành đèn đỏ, để biến người đi đúng thành sai. Công nghệ AI hiện nay rất tiên tiến, có thể tạo ra những hình ảnh y như thật, rất khó để phân biệt đâu là clip gốc, đâu là clip đã bị chỉnh sửa. Một dẫn chứng điển hình là vụ cháy ở tháp Eiffel Paris. Đây chỉ là một vụ cháy nhỏ, không có gì đáng ngại. Nhưng trên mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh ngọn tháp này chìm trong biển lửa. Mà đấy chỉ là hình ảnh do AI tạo ra để câu view.

Trong trường hợp, người dân bị những kẻ “săn tiền thưởng” dùng công nghệ AI chỉnh sửa, rồi bị phạt oan, thì chắc chắn, họ không thể tranh cãi được. Bởi chẳng ai có thể tự quay ngược lại hành trình của mình, để chứng minh. Hơn nữa, với quan niệm của chính quyền rằng, “nếu chúng ta sai, chúng ta xin lỗi, nếu dân sai, dân chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, thì chắc chắn, công an chẳng thèm quan tâm đến sai trái của họ. Bởi nếu công an có lỡ sai, thì họ chẳng phải khắc phục hậu quả, và cũng chẳng chịu trách nhiệm gì, chỉ có dân là thiệt.

Nghị định 168 cùng với Nghị định 176 là cặp song sinh tạo ra sự khốn đốn của người dân. Đi làm thì kẹt xe, vi phạm một lần thì “bay mất” cả tháng lương. Và điều này khuyến khích những kẻ bất lương nảy sinh ý tưởng “bất chính”, chỉnh sửa hình ảnh và clip để săn tiền thưởng. Bần cùng sinh đạo tặc là điều dễ hiểu.

Khi ra những văn bản dưới luật để điều hành xã hội, Bộ Công an chỉ tính tới lợi ích của riêng họ, còn những hệ lụy do những thứ luật rừng này gây ra, họ không đếm xỉa đến. Đây là tư duy điều hành đất nước rất nguy hiểm, nó tàn phá xã hội không chỉ về kinh tế, mà cả về đạo đức. Hình thức “săn tiền thưởng” tưởng như chỉ có ở vùng Viễn Tây nước Mỹ thời nội chiến. Nhưng nay, dù đã ở thế kỷ 21, hình thức này lại đang được Bộ Công an làm sống dậy trong xã hội Việt Nam.

Khi ra chính sách, cần phải dự đoán trước các hệ quả có khả năng xảy ra. Việc đánh vào lòng tham của một số người, để đạt mục đích, là chính sách vô cùng nguy hiểm. Điều này khiến cho con người nhìn nhau cứ như nhìn những con mồi.

Lãnh đạo dù ở chế độ nào cũng có thể đưa ra những chính sách sai lầm, dù dân chủ hay độc tài. Tuy nhiên, trong chế độ dân chủ, những chính sách sai lầm sẽ được điều chỉnh bởi ý dân. Khi người dân không hài lòng, họ có thể vận động hành lang, có thể biểu tình phản đối… khiến chính quyền phải xem xét lại tính hiệu quả của chính sách, và thu hồi kịp thời khi cần.

Nhưng ở Việt Nam, dù chính sách có gây ra bao nhiêu hệ lụy nặng nề cho xã hội, mà người ra chính sách vẫn lì lợm không sửa, thì người dân cũng đành bất lực.

Chỉ mới “làm vua” 6 tháng, nhưng ông Tô Lâm đã đánh cho dân không đường thoát. Tuy nhiên, đó chỉ mới là màn “dạo đầu”, không biết những năm tiếp theo, người dân còn khốn đốn như thế nào nữa?

 

Thái Hà – Thoibao.de