Ngày 3/1/2025, VOA Tiếng Việt loan tin “Khói bụi bao trùm, Hà Nội trở thành “ô nhiễm nhất thế giới”’.
VOA dẫn truyền thông trong nước và quốc tế cho biết, hôm 3/1, Hà Nội đã được ghi nhận là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, căn cứ theo các số liệu quan trắc, trong lúc khói bụi dày đặc bao trùm thành phố, khiến người dân khó khăn trong sinh hoạt và đi lại.
Cụ thể, một hãng tin Pháp dẫn số liệu của IQAir, hãng đo lường chất lượng không khí của Thụy Sỹ, cho biết, hàm lượng chất ô nhiễm PM2.5, tức là vi hạt gây ung thư, có kích thước đủ nhỏ để đi vào máu qua đường thở, ở Hà Nội hôm 3/1 là 227 microgram mỗi mét khối.
Mức này gấp 15 lần mức tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mỗi người có thể tiếp xúc trung bình mỗi ngày. Do đó, IQAir vào sáng ngày 3/1 đã xếp Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới.
Theo VOA, báo Tiền Phong và một hãng tin của Anh cho biết, kết quả quan trắc của AirVisual, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu, ghi nhận, chỉ số PM2.5 ở Hà Nội là 266 microgram mỗi mét khối, cao nhất trong các thành phố được đo lường, vượt qua những thành phố nổi tiếng về ô nhiễm như Delhi của Ấn Độ, hay Lahore của Pakistan.
Còn theo số liệu đo lường từ cổng thông tin quan trắc môi trường của Ủy ban Nhân dân Hà Nội, vào sáng ngày 3/1 cho thấy, AQI – tức chỉ số chất lượng không khí, ở nhiều địa bàn Hà Nội ở mức trên 200, rơi vào mức cảnh báo tím, tức rất xấu. Cá biệt, theo Hà Nội Mới, phường Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm có chỉ số AQI là 256, VOA cho biết.
Chỉ số AQI đo hàm lượng các chất ô nhiễm trong không khí, như bụi, carbon monoxide, nitrogen dioxide, sulfur dioxide… AQI được đo trên thang bậc từ 0 tới 500, với 0 là chất lượng không khí tuyệt hảo, còn 500 là nguy hiểm tức thì. Thông thường, chỉ số AQI dưới 100 được cho là chấp nhận được, còn trên 100 được xem là không tốt cho sức khỏe.
VOA tiếp tục dẫn báo Tiền Phong, cho hay, toàn bộ Hà Nội và các tỉnh lân cận, như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ hay Thái Nguyên đều “bị bao trùm một màu tím” trên thang bậc đo chất lượng không khí của cả 3 cơ quan, là Bộ Tài nguyên Môi trường, PAM Air (hệ thống theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực ở Việt Nam) và Đại sứ quán Mỹ.
VOA cho biết, Việt Nam vốn là một trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực, và nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, đã ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố lớn trong nhiều năm, nhất là ở Hà Nội, do đông đúc xe cộ, hoạt động sản xuất công nghiệp và đốt rác, theo hãng tin của Anh.
Hà Nội đã được IQAir xếp trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023.
VOA dẫn lời Trần Quỳnh Lan, một nhân viên văn phòng, nói với hãng tin Pháp rằng, cô cảm thấy khó thở khi phải lái xe đi làm trong làn khói mù độc hại, nên cô đã quyết định chuyển sang đi xe buýt và taxi.
VOA dẫn nhận xét của ông Lưu Minh Đức, 64 tuổi, nói với hãng tin của Anh rằng:
“Người cao tuổi chúng tôi có thể cảm nhận được rất rõ ràng, đặc biệt đối với những người bị các vấn đề về hô hấp dẫn đến khó thở. Tình hình gần đây dường như trở nên tồi tệ hơn.”
VOA cũng dẫn lời chuyên gia khí hậu Nguyễn Ngọc Huy, cho hãng tin Pháp biết, do thời tiết Hà Nội hiện không thuận lợi, nên các chất ô nhiễm “dường như bị nhốt trong một lồng kính khí quyển khổng lồ, mà không thể thoát ra, và tích tụ ngày này qua ngày khác”.
Ông nói thêm rằng, người dân Hà Nội cần “chờ gió mùa đông bắc mạnh với mưa và đối lưu mạnh, thì tình hình ô nhiễm khói bụi mới được cải thiện”, nhưng mưa ở Hà Nội phải đến tháng 3 mới có.
VOA tiếp tục dẫn phát biểu tại cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải, hôm 2/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) để góp phần làm giảm ô nhiễm khói bụi. Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 50% xe buýt và 100% taxi chạy bằng điện vào năm 2030.
Ý Nhi – thoibao.de